Đẩy mạnh phát triển mô hình tủ sách trường học, “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”

  • 09/07/2024
  • 63
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, cho biết, vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, trong những năm qua, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học phát triển mạnh mẽ đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành sớm và duy trì bền vững thói quen đọc sách của trẻ em, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, kích thích tinh thần tự đọc, tự học.

Các em học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) trong hoạt động đọc sách tại Thư viện trường. (Ảnh: Đinh Thị Minh Huệ)

Nhiều tủ sách gia đình, dòng họ đang lưu giữ các bộ sưu tập tài liệu quý, hiếm; một số tủ sách đã mở rộng thành không gian đọc phục vụ cộng đồng, cùng với mạng lưới không gian đọc, phòng đọc cơ sở trở thành một mắt xích trong hệ thống thư viện trực tiếp phục vụ người dân. Các hoạt động khuyến đọc phù hợp với loại hình này triển khai được cộng đồng đón nhận và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tuy nhiên, hoạt động của các tủ sách còn mang tính phong trào, tự phát, nguồn tài nguyên thông tin, đặc biệt các tư liệu quý, hiếm chưa được hệ thống, bảo quản và phát huy giá trị một cách hiệu quả...

Thực hiện yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 1/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, để “phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, các tổ chức trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, tính bền vững của việc xây dựng thói quen, duy trì văn hóa đọc gắn kết các thế hệ trong gia đình, dòng họ.

Các em nhỏ tại xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội) trong một hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà trí tuệ” - không gian văn hóa đọc và khuyến học ở ngoại ô Hà Nội.

Bên cạnh đó, vận động và phát động phong trào tạo lập tủ sách gia đình, triển khai mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên thuộc thẩm quyền quản lý. Các địa phương, bộ, ngành tổ chức các hoạt động khuyến đọc khuyến khích các thế hệ tham gia nhân dịp các ngày kỷ niệm: Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Người cao tuổi Việt Nam… Ngoài ra, tiếp tục biểu dương, tôn vinh, ghi nhận các gia đình, dòng họ và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học tại địa phương có phục vụ cộng đồng. UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì triển khai thực hiện các nội dung như rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các mô hình tủ sách trên địa bàn; vận động xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương.

Xây dựng chương trình phối hợp hoặc lồng ghép vào các chương trình phối hợp công tác đang thực hiện với Hội Phụ nữ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể tại địa phương để triển khai phong trào xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố chỉ đạo thư viện công cộng cấp tỉnh thực hiện biên soạn tài liệu hướng dẫn xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ phù hợp với điều kiện thực tiễn, văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư tại địa phương; hướng dẫn phương pháp hình thành và duy trì thói quen đọc sách từ gia đình, dòng họ.

Vận động, hướng dẫn xây dựng, bảo quản và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu, tư liệu quý hiếm trong các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ trên địa bàn hướng tới hình thành hồ sơ di sản tư liệu. Triển khai các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, luân chuyển tài nguyên thông tin tới tủ sách, không gian đọc có phục vụ cộng đồng.

Bà Dương Thị Lộ - Phó Chủ nhiệm thư viện sách thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) đang dán nhãn ký hiệu sách.

Tổ chức hoặc hướng dẫn tổ chức các hoạt động khuyến đọc gắn với việc phát huy hiệu quả của các tủ sách, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương” với các hoạt động như: Đọc sách cùng con, Làm quen với sách, Đọc sách cho con/cháu nghe, Gia đình cùng đọc, Tủ sách cho em…; cuộc thi ảnh về các thế hệ gia đình đọc sách, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm truyền cảm hứng và duy trì thói quen đọc sách trong gia đình, dòng họ, các hoạt động liên quan đến sách có sự tham gia của nhiều thế hệ trong gia đình, của phụ huynh và học sinh tại trường học…

UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao chuẩn hóa tủ sách trường học gắn với hoạt động thư viện trường học, hướng dẫn lựa chọn bổ sung, luân chuyển sách tham khảo phù hợp theo lứa tuổi, nội dung chương trình dạy và học của trường từ hệ thống thư viện công cộng; đa dạng hóa các mô hình tủ sách và hoạt động khuyến đọc trong nhà trường.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị các bộ ngành, cơ quan, địa phương quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị thành viên tổ chức thực hiện; lồng ghép nội dung kết quả thực hiện trong báo cáo hằng năm về hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc của cơ quan, địa phương gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Quỳnh Chi

Nguồn: nguoihanoi.vn

  • Phan Thị Cẩm Nhung

Mới nhất

Nhân dịp chào mừng 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2024), Nhà xuất bản Trẻ vừa giới thiệu bộ sách "Hỏi đáp lịch sử Việt Nam" với phiên bản bìa mới, thêm tập mới và nội dung cập nhật.

Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) vừa ra mắt Thư viện điện tử quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.

Từ khi văn tự ra đời, ghi chép, lưu giữ các sự kiện lịch sử, xã hội, phong tục, cảnh quan của đất nước trở thành nhu cầu ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Xem nhiều nhất

“108 câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn” - Ngay từ tiêu đề của cuốn sách chúng ta đã thấy hai từ “Đạo lý”. Vậy “đạo lý” là gì mà mỗi con người luôn cần hướng đến?

Hướng về cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Quán triệt quan điểm đó, Thư viện huyện Châu Đức luôn xác định Thư viện xã, thị trấn là cánh tay nối dài giúp cho Thư viện huyện phục vụ được tất cả người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà người dân còn khó khăn khi tiếp cận thông tin mới. Trong những năm qua, Thư viện huyện Châu Đức luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, đẩy mạnh hoạt động luân chuyển nhằm đưa sách báo đến tận tay người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn